Kính thưa toàn thể bà con nhân dân, các em là học sinh, trẻ em trong toàn xã!
Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em ở vùng nông thôn, nhất là bước vào mùa hè nắng nóng.
Trên địa bàn huyện Hương Sơn nói chung, xã Sơn Lâm nói riêng cũng đã xảy ra những sự việc thương tâm, đau lòng. Người dân dân hết sức lo lắng cho sự an toàn của trẻ mỗi dịp hè về. Mùa hè đến, vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với gia đình, Nhà trường và xã hội.
Việc phòng ngừa tai nạn ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và cần có các giải pháp phòng chống trực tiếp, thiết thực, hiệu quả tại những địa bàn có khả năng xảy ra đuối nước.
Vậy đâu là nguyên nhân để xảy ra tình trạng này?
Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được trẻ em và gia đình quan tâm để ý. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.
Mặt khác, trẻ em hiện nay đang ở độ tuổi hiếu động, nhiều em có tâm lý ham chơi, yêu thích sự mạo hiểm, muốn khẳng định bản than mình nên đã trốn gia đình đi tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tình trạng này cũng xảy ra với trẻ em đã biết bơi do không thể xử lý với những sự cố xảy ra khi bơi như chuột rút, bơi vào dòng nước xoáy,…
*Những cách phòng tránh đuối nước cho trẻ:
1. Để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi,...
2. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu. Tất cả các khu vực này đều đã được địa phương cắm cảnh báo nguy hiểm nên ông, bà, cha, mẹ tuyệt đối không cho trẻ đi bơi, tắm hay chơi đùa ở khu vực này. Đối với các bể bơi, cần lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có quy định mực nước, có người và phương tiện cứu hộ và đặc biệt phải tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi trẻ đi bơi, cha mẹ, người lớn cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp sơ suất dẫn đến điều đáng tiếc xảy ra. Cần đảm bảo trẻ luôn mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, bể nước sâu tránh trẻ té ngã, hay vào chơi nước, nếu bắt buộc phải có thì nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
3. Thường xuyên ác khu vực ao, hồ phải có hệ thống hàng rào chắn; sông, suối, hồ đập phải có biển cảnh báo.
4. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy: mặc áo phao đầy đủ.
Cách xử lý khi bị đuối nước?
Nếu thấy mình có nguy cơ bị đuối nước, ngay lập tức các em nhớ:
+ Kêu cứu thật to.
+ Bình tĩnh làm nổi người lên bằng cách hít một hơi dài, thả lỏng người.
+ Bơi theo dòng nước để thoát khỏi chỗ xoáy, chỗ sâu và bơi vào bờ.
+ Khi thấy người đuối nước phải ngay lập tức báo cho người xung quanh biết để ứng cứu kịp thời.
+ Ném phao, can nhựa ra chỗ người bị đuối nước hoặc tìm một cây, gậy dài để đưa ra chỗ người bị đuối nước và kéo họ vào bờ,…