Sơn Lâm là một xã miền núi, nằm ở phía Tây Bắc huyện Hương Sơn cách trung tâm huyện 8km.

Phía Bắc giáp: Tỉnh Nghệ An

Phía Nam giáp: Xã Sơn Quang

Phía Đông giáp: Xã Sơn Giang

Phía Tây giáp: Xã Sơn Lĩnh; xã Sơn Hồng

Tổng diện tích tự nhiên:  3819,05 ha

Xã Sơn Lâm địa hình chủ yếu là đồi núi, đường sá đi lại khó khăn. Phần lớn diện tích đất thiếu nước về mùa khô gây khó khăn cho sản xuất.

Khí hậu thời tiết nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam có 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô nắng nóng kéo dài gây hạn hán, mùa mưa thường gây ngập úng các diện tích thấp trũng. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Và các đợt mưa bão đổ bộ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đồng thời do địa hình dốc nên qua các đợt mưa lũ đất đai thường bị xói mòn nghiêm trọng, làm sạt lở và bạc màu đất do lũ quét.

Tổng toàn xã tính đến 25/5/2017 có  809 hộ với  3088 nhân khẩu, trong đó nam 1612 người, nữ 1476 người với 53% đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, phân bổ thành 07 xóm, hộ nghèo chiếm 12 %.

Ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ.

Về chăn nuôi: Chăn nuôi của Sơn Lâm chủ yếu là hươu, trâu bò.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm 2016.

Nhìn chung đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thiếu sự quy hoạch, làm ăn manh mún, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao.

II. NHỮNG THUẬN LỢI KHÓ KHĂN

1. Những thuận lợi:

- Về vị trí: Sơn Lâm là một xã nằm về phía Tây của huyện Hương Sơn, có tuyến đường Giang - Lâm - Lĩnh chạy dọc theo xã nối liền Sơn Lâm với Sơn Giang, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng. Nhìn chung vị trí địa lý của xã tương đối thuận lợi cho việc giao lưu đi lại với các xã trong vùng cũng như các vùng lân cận. Trước hết là với trung tâm huyện, điều đó mở ra triển vọng về khả năng hợp tác và phát triển sản xuất trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, cũng như trao đổi các sản vật địa phương.

- Về đất đai: Sơn Lâm là một xã có diện tích đất tự nhiên lớn, lại có nhiều con suối nhỏ nên việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cho sinh hoạt được đảm bảo. Đất đai thuận lợi cho việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp như Cao su, khu vực ven đồi núi phù hợp cho quy hoạch trồng cây ăn quả phát triển chăn nuôi như hươu, trâu bò.

- Công tác giao đất cho các hộ dân, quy hoạch giao thông thủy lợi, quy hoạch xây dựng nông thôn mới cơ bản được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

2. Những khó khăn hạn chế:

- Thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, gió Lào, hạn hán, giá rét, mưa lũ, sâu bệnh, dịch bệnh bùng phát đã làm ảnh hưởng nặng nề đến phát triển sản xuất đặc biệt là ngành sản xuất nông nghiệp.

- Địa hình Sơn Lâm chủ yếu là đồi núi độ dốc khá lớn, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống các con suối và các dãy núi. Do đó việc xây dựng hệ thống đường sá đi lại còn khó khăn, phần lớn diện tích đất thiếu nước về mùa khô, xói lở về mùa mưa. Người dân rất khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt.

- Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất: Các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng tuy đã được đầu tư nhưng đạt tỷ lệ thấp, thiếu đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống kênh mương nội đồng đầu tư còn ít, nên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất.

- Trình độ dân trí không đồng đều số lao động qua đào tạo chỉ chiếm 37% tỷ lệ này còn thấp, hình thức sản xuất quảng canh là chủ yếu, tự cung tự cấp khá phổ biến trong nông dân, ý thức sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa chưa nhiều.

- Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất đang từng bước được thực hiện, song việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất còn hạn chế.

- Khả năng tiếp cận với thị trường của người dân còn thấp, vốn đầu tư còn hạn chế. Chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất, sản phẩm làm ra còn mang tính tự cung tự cấp, tính cạnh tranh của các sản phẩm làm ra chưa cao.

- Đầu ra cho các loại sản phẩm có tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

 

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 195.692
Online: 9