⁉️ Bạn cần biết: Bản sao Trích lục khai sinh, Giấy khai sinh Bản sao và Bản sao chứng thực từ bản chính Giấy khai sinh đều có giá trị như nhau và được sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, cụ thể:
📌 Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có 02 loại bản sao gồm:
- Bản sao từ sổ gốc: là bản sao được cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
- Bản sao chứng thực từ bản chính: là bản sao được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
📌 Còn theo quy định tại Điều 9 Luật Hộ tich 2014 thì Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm:
- Bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ cơ sở dữ liệu hộ tịch (bao gồm khai thác từ hệ thống sổ hộ tịch và phần mềm quản lý đăng ký hộ tịch);
- Bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Để hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đã có Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định về biểu mẫu hộ tịch, trong đó có Bản sao trích lục khai sinh, nội dung bản sao Trích lục thực hiện theo mẫu của BTP và in trên giấy trắng A4, không có hoa văn.
Tuy nhiên, kể từ ngày 16/7/2020, thực hiện Thông tư số 04/2020/TT-BTP ban hành ngày 28/5/2020 có sự thay đổi trong việc cấp bản sao từ sổ gốc khai sinh, theo đó sẽ cấp Giấy khai sinh bản sao theo phôi mẫu do Bộ Tư pháp phát hành. Điều này có nghĩa là, kể từ ngày 16/7/2020 sẽ không còn cấp Bản sao Trích lục khai sinh trên giấy A4 như trước đây nữa (việc cấp Bản sao các sự kiện hộ tịch khác không có thay đổi, vẫn thực hiện Bản sao Trích lục và dùng bằng giấy A4), đều đó không có nghĩa là bản sao Trích lục khai sinh đã được cấp trước đây không dùng được nữa mà TẤT CẢ NHỮNG BẢN ĐÃ ĐƯỢC CẤP TRƯỚC THỜI ĐIỂM THÔNG TƯ 04/2020/TT-BTP CÓ HIỆU LỰC THI HÀNH VẪN CÒN GIÁ TRỊ SỬ DỤNG BÌNH THƯỜNG.
👉 Kết luận: Bản sao khai sinh được cấp từ sổ gốc (gồm bản sao trích lục, bản sao theo phôi mẫu) và Bản sao được chứng thực từ Giấy khai sinh bản chính đều có giá trị như nhau và được sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).